Trụ sở chính: Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, Xã Nam Sơn, Huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, Việt Nam.
VPGD: Tầng 22, Tháp Tây, Tòa nhà Lotte Center, 54 Liễu Giai, phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP Hà Nội, Việt Nam.
Số điện thoại: 0243 200 5850
Website: vnty.com.vn
1. Tham luận “Một số kinh nghiệm và đặc điểm công nghệ trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay” do ông Lý Kha, Phó Tổng giám đốc Thường trực Công ty cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội trình bày tại Diễn đàn.
“Kính thưa các quý vị đại biểu,
Chúng tôi rất vinh hạnh được tham dự Diễn đàn hôm nay. Qua bài phát biểu của tiến sỹ Chu Thái Thành, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên - Môi trường và cũng qua hoạt động diễn đàn lần này, chúng tôi cảm nhận được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ Việt Nam đối với vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Là một doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực môi trường với mục tiêu VÔ HẠI HÓA, GIẢM THIỂU HÓA, TÀI NGUYÊN HÓA chất thải rắn sinh hoạt, chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm và nghĩa vụ phải chia sẻ với các quý vị đại biểu những kinh nghiệm tâm đắc nhất của chúng tôi trong lĩnh vực này, để cùng nhau thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam. Xin phép cho chúng tôi được chia sẻ với các quý vị đại biểu tham dự diễn đàn ngày hôm nay một số kinh nghiệm và giới thiệu về mặt công nghệ như sau:
I- KHÁI QUÁT VỀ TẬP ĐOÀN THIÊN DOANH (URBASER)
Tập đoàn Thiên Doanh (mã chứng khoán: 000035) là một công ty niêm yết trên sàn chứng khoán hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đô thị và năng lượng mới. Hoạt động kinh doanh của Tập đoàn chủ yếu liên quan đến cung cấp các dịch vụ môi trường đô thị, đốt rác phát điện, đầu tư vào khu kinh tế tuần hoàn, xây dựng và vận hành, xử lý chất thải nhà bếp, chất thải nguy hại, chất thải xây dựng, sản xuất thiết bị bảo vệ môi trường, v.v.; Phân loại, thu gom, xử lý đầu cuối.
Năm 2016, Tập đoàn hoàn tất việc mua lại công ty dịch vụ môi trường đô thị châu Âu Urbaser với giá 20 tỷ Nhân dân tệ (hơn 3 tỉ đô la Mỹ), có trụ sở tại Madrid, Tây Ban Nha, đổi tên thành tập đoàn Thiên Doanh Urbaser. Tập đoàn hiện hoạt động tại hơn 30 quốc gia và khu vực bao gồm Vương quốc Anh, Pháp, Ý, Nam Mỹ và Bắc Mỹ, với hơn 300 cơ sở xử lý chất thải rắn trên toàn thế giới, công suất xử lý chất thải mỗi ngày 50.000 tấn; trở thành 1 trong 4 công ty đứng đầu thế giới trong lĩnh vực môi trường, với 51.692 nhân viên, trong đó có 30.611 hiện đang làm việc châu Âu.
Hiện tại, tập đoàn tập trung xây dựng, quản lý, vận hành toàn bộ quy trình hệ thống phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải thông minh, xử lý chất thải theo hướng tài nguyên hóa... trở thành doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực môi trường đô thị.
Là một trong những công ty công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn toàn cầu, Urbaser có 27 năm kinh nghiệm trong quản lý chất thải rắn đô thị. Cụ thể hơn, hoạt động kinh doanh toàn cầu của Urbaser bao gồm bốn nhóm ngành nghề kinh doanh lớn là: “Nhóm dịch vụ vệ sinh bảo vệ môi trường thông minh”, “Nhóm dịch vụ xử lý toàn diện chất thải rắn đô thị”, “Nhóm dịch vụ xử lý tái chế tài nguyên hóa công nghiệp” ,và “ Nhóm dịch vụ quản lý xử lý nước” . Trong đó nhóm dịch “Nhóm vệ sinh bảo vệ môi trường thông minh và các dịch vụ liên quan” trở thành nhóm ngành hoạt động kinh doanh chủ đạo của Urbaser.
II- ÁP DỤNG KINH NGHIỆM VÀ CÔNG NGHỆ CỦA TẬP ĐOÀN VÀO XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TẠI VIỆT NAM
Tại Việt Nam hiện nay, các con số thống kê cho thấy, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày khoảng hơn 90.000 tấn, mỗi năm là hơn 30 triệu tấn, tương đương mỗi người thải ra môi trường khoảng 1kg rác/ ngày. Các con số thống kê cho thấy, Việt Nam nằm trong nhóm 20 nước có lượng chất thải rắn sinh hoạt nhiều nhất trên thế giới, mức tăng chất thải rắn sinh hoạt trung bình khoảng 15%/năm.
Riêng tại khu vực đô thị, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hơn 40.000 tấn/ngày, trong đó, tỉ lệ thu gom đạt khoảng 85%. Tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, có từ 7-9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt thải ra mỗi ngày. Nếu được xử lý tốt, lượng rác hiện nay có thể được sử dụng để chuyển hóa thành năng lượng quay trở lại phục vụ cuộc sống; nhưng nếu không được xử lý tốt, lượng rác lớn có thể trở thành gánh nặng cho nền kinh tế, gia tăng áp lực đối với việc bảo vệ môi trường và là một trong những yếu tố cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài lượng rác hằng ngày lớn, chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển khác hiện nay, có những đặc điểm: Hầu hết chưa được phân loại khi thải ra môi trường; nhận thức của người dân về tác động của rác thải, ô nhiễm môi trường chưa đầy đủ; ý thức giảm thiểu rác, tái sử dụng rác, tái chế rác, phân loại rác chưa cao; công tác thu gom rác, quản lý rác, đặc biệt là xử lý rác chưa triệt để; công nghệ xử lý rác còn lạc hậu.
Thực tế cho thấy, hầu hết lượng chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam hiện nay được xử lý thông qua công nghệ chôn lấp. Việt Nam hiện có gần 700 bãi chôn lấp quy mô trên 1 ha, mỗi ngày tiếp nhận hơn 50.000 tấn rác thải, trong đó có 30% bãi hợp vệ sinh, còn lại không hợp vệ sinh. Đặc biệt, hầu hết bãi chôn lấp không có hệ thống thu gom khí, xử lý nước rỉ rác, hệ thống quan trắc môi trường. Điều này không chỉ làm lãng phí tài nguyên đất, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường mà còn lãng phí một nguồn nguyên liệu rất lớn để chuyển hóa thành năng lượng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, đó chính là rác.
Các quốc gia trên thế giới hiện đang áp dụng nhiều công nghệ khác nhau trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nhưng nhìn chung công nghệ đốt chất thải rắn sinh hoạt và tận dụng nguồn nhiệt phát điện là phương thức xử lý kinh tế nhất, phổ biến nhất, hiệu quả nhất. Công nghệ này không những xử lý triệt để được chất thải rắn sinh hoạt mà còn tận dụng được nguồn năng lượng tái tạo, đảm bảo cả về mặt bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế.
Thiên doanh Urbaser là tập đoàn đa quốc gia, sở hữu công nghệ tiên tiến, có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, xử lý rác thải. Chính phủ Việt Nam và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi xem xét tính hiệu quả trên cả hai phương diện là kinh tế (phát điện, tạo giá trị kinh tế) và xã hội (xử lý rác, bảo vệ môi trường), đã phê duyệt để tập đoàn đầu tư 4 dự án đốt rác phát điện tại các địa phương: Hà Nội, Phú Thọ, Thanh Hóa và Hải Dương.
Trong đó, Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn, Hà Nội là công trình hạ tầng kỹ thuật cấp đặc biệt có tổng mức đầu tư hơn 7000 tỷ đồng, với mục tiêu xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo công nghệ hiện đại, tiên tiến, xuất xứ từ Châu Âu, thân thiện nhất với môi trường và đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường của Việt Nam. Với công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt 4.000 tấn/ngày đêm, sau khi đi vào hoạt động, nhà máy có thể xử lý đến 70% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của Thành phố Hà Nội; công suất phát điện 75MW. Nhà máy dự kiến hoàn thành, bắt đầu tiếp nhận, xử lý rác và hòa lưới điện vào tháng 10 năm 2020, thực hiện mục tiêu xử lý triệt để, lâu dài, hiệu quả chất thải rắn sinh hoạt của Thủ đô Hà Nội; góp phần xây dựng và phát triển thành phố Hà Nội thông minh, bền vững; có ý nghĩa đặc biệt trong công tác bảo vệ môi trường và tận dụng nguồn năng lượng tái tạo phù hợp với định hướng phát triển bền vững do chính phủ Việt Nam đề ra./.
Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc các quý vị đại biểu sức khỏe, thành công.”