Trụ sở chính: Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, Xã Nam Sơn, Huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, Việt Nam.
VPGD: Tầng 22, Tháp Tây, Tòa nhà Lotte Center, 54 Liễu Giai, phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP Hà Nội, Việt Nam.
Số điện thoại: 0243 200 5850
Website: vnty.com.vn
Với phương châm “Biến chất thải thành tài nguyên”, Tập đoàn CNTY - EUZY đã đóng góp tích cực vào nền kinh tế tuần hoàn của các nước thông qua các dự án xử lý rác thải. Trong những năm qua, Tập CNTY - EUZY đã, đang đồng hành cùng Chính phủ và người dân Việt Nam xây dựng các dự án Nhà máy điện rác tại các tỉnh thành nhằm tháo gỡ những khó khăn trong việc xử lý rác thải và tái tạo năng lượng. Hiện nay, Tập đoàn đang xây dựng các dự án Nhà máy điện rác tại Hà Nội, Phú Thọ, Thanh Hóa, Hải Dương…
Theo Báo cáo Môi trường Quốc gia năm 2019, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại Việt Nam là khoảng 64.658 tấn/ngày. Hiện nay, phương pháp xử lý bằng công nghệ chôn lấp chiếm tới 80% gây ô nhiễm rất lớn. Cách thức xử lý này không chỉ làm lãng phí tài nguyên đất, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường mà còn lãng phí một nguồn tài nguyên rất lớn để chuyển hóa thành năng lượng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Ngoài ra, việc thu hồi, xử lý các chất thải công nghiệp thông thường và bảo vệ môi trường đã trở thành mối quan tâm lớn với sự phát triển của các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Toàn cảnh Nhà máy điện rác Sóc Sơn khi hoàn thành
Với mục tiêu trở thành Tập đoàn tiên phong trong các hoạt động bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên và cung cấp các dịch vụ toàn diện với chất lượng cao nhất, Tập đoàn đa quốc gia TIANYING – EUZY (CNTY – EUZY) luôn đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu, áp dụng thành công các công nghệ tiên tiến nhất trong các quy trình xử lý để có thể xử lý đồng thời CTRSH và chất thải công nghiệp thông thường, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm thu được từ nguồn rác thải, giảm thiểu một cách tối đa các chất thải phát sinh trong quá trình xử lý. Hiện nay, Tập đoàn CNTY – EUZY sở hữu công nghệ lò đốt ENRGIZE @ - lò ghi cơ học kiểu Waterleau của Bỉ, đây là công nghệ xử lý CTRSH, chất thải công nghiệp thông thường và thu hồi năng lượng hàng đầu thế giới.
NHÀ MÁY ĐIỆN RÁC LỚN NHẤT VIỆT NAM SẴN SÀNG ĐI VÀO HOẠT ĐỘNG
Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn tại khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội do Công ty Cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội (thuộc Tập đoàn CNTY – EUZY) làm chủ đầu tư, đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 12/2017 với tổng mức đầu tư hơn 7000 tỷ đồng. Đây là dự án có quy mô xử lý CTRSH và công suất phát điện lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Toàn cảnh Nhà máy điện rác Sóc Sơn nhìn từ trên cao
Nhà máy được thiết kế kết hợp hoàn hảo 04 yếu tố là tà áo dài truyền thống của Việt Nam, hoa sen, khoa học vũ trụ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là Nhà máy điện rác đầu tiên trên thế giới được thiết kế trên cơ sở kết hợp truyền thống và công nghệ hiện đại.
Vượt qua nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND TP. Hà Nội, đến nay Chủ đầu tư đã cùng các nhà thầu đã hoàn thiện 96% phần xây dựng và 91% phần lắp đặt thiết bị cho nhà máy chính. Các công trình phụ trợ như khu xử lý nước thải, tháp làm mát, khói thải đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Theo kế hoạch, lò đốt đầu tiên của Nhà máy sẽ được vận hành thử vào cuối tháng 01/2022 để căn chỉnh, hiệu chỉnh kỹ thuật. Đến cuối quý I năm 2022, tất cả 05 lò đốt sẽ được hoàn thiện và đưa vào vận hành thử, căn chỉnh hệ thống kĩ thuật với công suất 4.000 tấn rác mỗi ngày. Toàn bộ Nhà máy điện rác Sóc Sơn sẽ được vận hành chính thức vào cuối quý II năm 2022.
Sử dụng 05 lò ghi cơ học kiểu Waterleau của Bỉ, khi đi vào hoạt động, nhà máy dự kiến sẽ xử lý 4000 tấn CTRSH/ngày, tương đương 2/3 số rác thải của toàn TP. Hà Nội và sẽ thu được 75 MW điện mỗi giờ.
Toàn cảnh Nhà máy điện rác Sóc Sơn nhìn từ trên cao
Nhà máy điện rác Sóc Sơn, Hà Nội khi đi vào hoạt động sẽ góp phần xây dựng và phát triển Thành phố Hà Nội thông minh, bền vững; có ý nghĩa đặc biệt trong công tác bảo vệ môi trường và tận dụng nguồn năng lượng tái tạo phù hợp với định hướng phát triển bền vững do Chính phủ Việt Nam đề ra.
Nguồn: http://www.tainguyenvamoitruong.vn