Trụ sở chính: Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, Xã Nam Sơn, Huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, Việt Nam.
VPGD: Tầng 22, Tháp Tây, Tòa nhà Lotte Center, 54 Liễu Giai, phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP Hà Nội, Việt Nam.
Số điện thoại: 0243 200 5850
Website: vnty.com.vn
Ông Lý Ái Quân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội
Sau nhiều năm loay hoay với vấn nạn ùn ứ, quá tải rác thải năm 2017, Hà Nội quyết định cấp phép chủ trương xây dựng một dự án điện rác lớn thứ 2 thế giới tại Sóc Sơn. Dự kiến khi hoàn thành, nhà máy điện rác này sẽ xử lý được khoảng 70% số rác thải sinh hoạt tại Thủ đô.
5 năm qua, dự án điện rác Sóc Sơn gánh chịu khá nhiều “điều tiếng” vì chậm tiến độ và không kịp vận hành để góp phần xử lý lượng rác thải ngày càng chất cao hơn núi tại bãi rác Nam Sơn, ngay kế bên nhà máy. Đến ngày 25/7 vừa qua, nhà máy điện rác Sóc Sơn do chủ đầu tư Công ty Cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội đã được hòa lưới điện quốc gia với công suất phát điện đốt rác là 15MW ở giai đoạn 1.
Nhà máy điện rác Sóc Sơn chính thức vận hành vào ngày 25/7
Việc đưa vào vận hành chính thức nhà máy điện rác đã giúp lãnh đạo nhà máy, lãnh đạo tập đoàn này giải tỏa được rất nhiều những lo lắng, hồ nghi của người dân sau nhiều lần nhà máy lỗi hẹn. Nhân dịp này, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Lý Ái Quân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội, về những khó khăn khi xây dựng dự án này.
Dự án điện rác Sóc Sơn nhận được nhiều sự quan tâm và chờ đợi của người dân cũng như lãnh đạo các bộ, ban, ngành. Dự án này có số vốn đầu tư lớn, hơn 7.000 tỷ đồng, nhưng vì sao việc vận hành nhà máy bị chậm nhiều lần so với tiến độ đã đặt ra, thưa ông?
Có một số thông tin chưa được chính xác về nhà máy của chúng tôi trong suốt thời gian qua. Mọi người đều nghĩ, chúng tôi bắt đầu xây dựng dự án từ tháng 12/2017, thực tế không đúng như vậy, tháng 12/2017 chúng tôi mới có được quyết định chủ trương đầu tư.
Từ khi có chủ trương đầu tư thì chúng tôi mất 21 tháng để hoàn thiện các thủ tục pháp lý của Việt Nam. Sau đó nhà máy mới bắt đầu khởi công xây dựng từ tháng 8/2019, tính đến khi hoàn thành dự án mới trải qua hơn 30 tháng.
Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn gặp nhiều khó khăn trong những tháng phong tỏa toàn quốc do Covid -19
Phải mất 5 tháng sau, lúc đó chúng tôi nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo thành phố Hà Nội đề xuất tính toán lại quy trình nhập cảnh cho cán bộ, chuyên gia của chúng tôi. Tới tháng 5/2020, từng người, từng người một mới quay trở lại công tác.
Tính theo đầu tháng, từ ngày có được giấy phép xây dựng tới nay là khoảng 35 tháng, nhưng để xây dựng hiệu quả, đáp ứng được đủ công nhân thì chỉ được khoảng 26 tháng.
Sau đó, dịch bệnh lại tiếp tục bùng phát ở Việt Nam, các đợt bùng phát kéo dài này cũng khiến công trường xây dựng bị ảnh hưởng rất nặng nề, đặc biệt là những tháng giãn cách xã hội.
Ngoài khó khăn do thiên tai, dịch bệnh mang tới, ông có muốn chia sẻ thêm những khó khăn nào khác khi tiến hành xây dựng nhà máy này?
Như tôi đã nói từ đầu, nếu chỉ nhìn vào số năm thì ai cũng nghĩ, dự án này lấy được giấy phép đã 5 năm mà mãi chưa hoàn thành, nhưng thực tế công việc mà chúng tôi đã phải thực hiện quả thực rất nhiều và tốn thời gian. Chúng tôi đã làm các công việc lần lượt, tuần tự như bổ sung quy hoạch điện, đánh giá tác động môi trường, xin cấp giấy phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy, thẩm định thiết kế...
Là một nhà đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam, thực sự chúng tôi cũng có những bỡ ngỡ với các quy định, thủ tục hành chính, pháp lý tại Việt Nam. Các thủ tục này, theo cảm nhận của chúng tôi là khá nhiều quy trình, nhiều bước và nhiều các cơ quan quản lý.
Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn mất khoảng 21 tháng hoàn hiện các thủ tục để có thể khởi công xây dựng
Chúng tôi phải đến rất nhiều các bộ, ngành để nộp hồ sơ như Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy của Bộ Công An, sau đó dần dần xuống đến các sở, ban ngành ở địa phương. Tính chung chúng tôi phải qua mười mấy cơ quan, đơn vị, lúc đó mới có đủ cơ sở pháp lý để xây dựng dự án.
Hơn thế, các bước, các quy trình này không được thực hiện đồng thời cùng một lúc, mà phải tuần tự từng bước một. Ví dụ nếu được làm đồng thời, thì chúng tôi vừa có thể nộp hồ sơ lên Bộ Công Thương để xin bổ sung quy hoạch điện, đồng thời vừa nộp hồ sơ lên Bộ Tài nguyên Môi trường để xin đánh giá tác động môi trường…
Tại Việt Nam, phải xong thủ tục tại Bộ Công Thương mới được tiến hành thủ tục với Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau đó mới hoàn thiện thủ tục ở Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, cuối cùng mới được nộp hồ sơ lên Bộ Xây dựng... Chính vì phải làm từng bước như vậy nên mất nhiều thời gian chờ đợi.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhìn nhận nhiều mặt tích cực, ví dụ như hiện nay các quy trình thủ tục cũng đã được cải thiện thông qua công nghệ, như nộp một số hồ sơ, giấy tờ thì doanh nghiệp có thể không phải đến trực tiếp. Song, việc số hóa quy trình đó cũng chỉ được vài chục phần trăm thôi.
Về cơ bản sau khi nộp trên mạng xong, chúng tôi vẫn phải đến tận nơi. Mặc dù có chút khó khăn nhưng chúng tôi cũng biết, mọi sự thay đổi cần phải có thời gian và quá trình. Việt Nam bắt đầu chuyển đổi số chưa lâu, trong vài năm tới khi quá trình này thuần thục hơn thì chắc chắn việc số hóa sẽ thuận lợi, tốt hơn.
Việc xây dựng nhà máy điện rác ở Việt Nam so với Trung Quốc hoặc các quốc gia khác có những khác biệt cơ bản như thế nào, theo ông?
Ở Trung Quốc có sự khác biệt tương đối lớn với Việt Nam, ví dụ với dự án lớn như thế này, chúng tôi thường mất từ 4 đến 6 tháng để hoàn thiện các thủ tục pháp lý để khởi công. Tại sao lại có sự khác biệt về thời gian chuẩn bị thủ tục nhiều như vậy, vì giai đoạn bắt đầu với các dự án của tư nhân, họ chỉ quản lý nghiêm về một số lĩnh vực, còn khi xây dựng xong, muốn đi vào hoạt động thì nhà máy phải đạt được các tiêu chuẩn mà quốc gia đặt ra.
Tóm lại, họ đặt nặng về khâu nghiệm thu, đưa nhà máy đi vào hoạt động hơn là khâu cấp phép. Nói cho dễ hiểu, đây là dự án của tư nhân, anh bỏ tiền ra đầu tư, anh phải tự đảm bảo để đạt được các tiêu chuẩn của quốc gia, thì lúc đó cơ quan quản lý mới cho phép đi vào vận hành. Còn nếu không đạt được các tiêu chí như quy định, thì nhà máy cứ nằm đó, khi đó tổn thất doanh nghiệp sẽ phải tự gánh chịu.
Quy trình cấp phép như vậy theo tôi nghĩ sẽ giảm bớt được rất nhiều thủ tục hành chính, đồng thời tăng trách nhiệm của chủ đầu tư. Nói chung, trước đây Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn trong việc cấp phép dự án, nhưng sau đó các cơ quan quản lý cũng đã tham khảo cách làm của nhiều nước như Mỹ, châu Âu nên hiện quy trình làm việc, theo tôi, đã tối ưu hơn so với trước đây.
Theo ông, người dân ở một số địa phương có thể kỳ vọng như thế nào vào các dự án điện rác mà Thiên Ý đang đầu tư, xây dựng tại Việt Nam?
Với những nơi mà chúng tôi đặt dự án, chắc chắn sẽ đem lại lợi ích cho người dân. Thứ nhất, các dự án đốt rác sẽ giúp người dân có cuộc sống trong lành hơn, vì rác được xử lý triệt để sẽ không gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, việc đốt rác phát điện sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng thiếu điện đang xảy ra, đặc biệt tại miền Bắc.
Ngoài ra, việc đốt rác sẽ giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên đất. Vì nếu cứ tiếp tục xử lý bằng cách chôn lấp rác, thì bao nhiêu đất cũng sẽ hết. Tại các nơi chôn lấp rác, đất ở đó phải mất cả trăm năm mới tái sử dụng lại được. Thêm nữa, dự án điện rác sẽ đem lại công ăn việc làm cho người dân địa phương khi đến làm việc tại nhà máy.
Hiện tại, Tập đoàn của chúng tôi có mặt tại hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với hơn 100.000 công nhân viên, trong đó có khoảng 60.000 nhân viên người châu Âu.
Trên thế giới, Thiên Ý đã có nhiều dự án, tại Việt Nam hiện chúng tôi có 4 nhà máy ở các địa phương như Thanh Hóa, Phú Thọ, Hà Nội... Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong muốn được phát triển thêm các dự án ở nhiều địa phương khác. Chúng tôi tin rằng trong tương lai, điện rác sẽ trở thành xu hướng tất yếu để Việt Nam xử lý vấn đề đang rất đau đầu, đó là rác thải sinh hoạt tại hầu hết các tỉnh, thành.